Recent Comments

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

QUẢNG NAM TRUNG DŨNG KIÊN CƯỜNG


LƯỢC SỬ VỀ QUẢNG NAM
Quảng Nam là tỉnh có bề dày về truyền thống lịch sử. Năm 1471, sau khi chiếm vùng đất phía Nam Thuận Hóa cho đến đèo Cù Mông, vua Lê Thánh Tông lập thêm đơn vị hành chính thứ 13 - Thừa Tuyên Quảng Nam gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Danh xưng Quảng Nam xuất hiện từ đây.
Theo dòng lịch sử, Quảng Nam từng là đất đóng đô của một vương quốc cổ có thời gian tồn tại 15 thế kỷ. Dưới triều Lê Thánh Tông (năm 1471), Quảng Nam trở thành một bộ phận của Đại Việt và trong thời điểm Trịnh-Nguyễn phân tranh, Quảng Nam thuộc quyền cai quản của chúa Nguyễn (từ năm 1570). Bằng lao động sáng tạo, Quảng Nam đã góp phần vào tiến trình mở nước của dân tộc và tạo lập cuộc sống phồn vinh của một vùng - xứ Quảng. Biên niên sử thời Nguyễn đã chép về giai đoạn này như sau: “Chúa ở trấn hơn 10 năm, (chúa Tiên Nguyễn Hoàng) chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một đô hội lớn”.
Cư dân Quảng Nam là sự cộng cư trong suốt quá trình mở nước. Người Việt (Kinh) có mặt ở Quảng Nam trước năm 1471, cùng với người Chăm pa, người Hoa. Ngày nay, ở Quảng Nam, ngoài người Việt thuần gốc, người Hoa, còn có người Việt (Kinh) có nguồn gốc tổ tiên lâu đời là người Trung Quốc (người Minh Hương). 
Đến giữa thế kỷ XVII, chính quyền đàng Trong nhanh chóng suy yếu, nạn chiếm đoạt và tập trung ruộng đất diễn ra gay gắt, thuế khóa ngày càng tăng… Quan lại lợi dụng hành hạ, ẩu lậu, cố tình tăng giảm, sinh sự làm khổ dân. Trước hoàn cảnh đó, khi phong trào Tây Sơn bùng nổ, nhân dân Quảng Nam đã hưởng ứng mạnh mẽ. Mùa thu năm 1773, khi quân Tây Sơn kéo ra Quảng Nam, nhân dân Quảng Nam đã phối hợp cùng nghĩa quân phục kích ở Bến Đá (Thạch Tân, Thăng Bình, Quảng Nam) đánh bại quân của chúa Nguyễn do các tướng Nguyễn Cửu Thống, Nguyễn Hữu Sách… chỉ huy. Chiến thắng của phong trào Tây Sơn trong sự nghiệp đánh đổ tập đoàn phong kiến Trịnh-Nguyễn, mở đầu sự nghiệp thống nhất đất nước có phần đóng góp rất lớn của nhân dân Quảng Nam.
Trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Quảng Nam đã đi đầu, lập công ngay từ khi thực dân Pháp đặt chân đến vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng.
Đáng chú ý khi phong trào Cần Vương được phát động, Quảng Nam là địa phương hưởng ứng mạnh mẽ và có tổ chức, đó là Nghĩa hội Quảng Nam được thành lập vào tháng 9 năm 1885. Dưới sự lãnh đạo của các chí sỹ yêu nước Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến… quân và dân Quảng Nam đã lập nên những chiến công hiển hách, gây tổn thất cho quân Pháp và triều đình Huế, mở rộng liên kết với phong trào Cần Vương ở Quảng Ngãi và Bình Định. Quảng Nam tự hào là nơi phát tích phong trào và là quê hương của những nhà lãnh đạo tâm huyết trước vận mệnh của dân tộc như: Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh (ảnh), Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân, Thái Phiên…, Quảng Nam còn là địa phương sớm có tổ chức Đảng cộng sản hoạt động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân đã anh dũng chiến đấu, góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường Tây Nguyên, Hạ Lào và tiến hành cuộc kháng chiến tại quê hương đất Quảng đến khi thắng lợi.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Nam “trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”, đã lập được nhiều chiến công và đóng góp những bài học kinh nghiệm đánh Mỹ. Đó là một quyết tâm “Chưa giải phóng miền Nam thì còn phải đánh, chiến tranh gì cũng đánh, đối tượng nào cũng đánh, chúng ta có nhiệm vụ đánh Mỹ trước bằng hai chân ba mũi, để đóng góp kinh nghiệm cho toàn miền và góp phần đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ”. Đó là niềm lạc quan cách mạng: “Nhà tan cửa nát cũng ừ, quyết tâm đánh Mỹ cực chừ sướng sau”. Những chiến thắng của quân và dân Quảng Nam-Đà Nẵng trong chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng tháng 3 năm 1975 đã góp phần quan trọng vào sự sụp đổ của Ngụy quyền, đưa đến đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 
Sau ngày giải phóng, bước sang thời kỳ xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam đã sát cánh hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục, an ninh, quốc phòng… trong thời kỳ đổi mới càng thể hiện quyết tâm và ý chí vươn lên của các tầng lớp nhân dân trên mảnh đất Quảng Nam kiên cường. Để hướng tới một tỉnh công nghiệp vào năm 2015-2020, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để cùng với cả nước vững bước tiến lên, đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn, xây dựng quê hương Quảng Nam ngày càng giàu mạnh.
1/ SỰ RA ĐỜI CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH QUẢNG NAM.
Các phong trào đấu tranh yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược ở nước ta cuối thế kỷ XIX đầu XX, liên tục nổ ra nhưng đều thất bại. Trước tình hình đó, năm 1911, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc) đã ra đi tìm đường cứu nước. Năm 1920, Người đã đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin. Bản luận cương đã giúp người chọn được con đường giải phóng dân tộc cho cách mạng Việt Nam. Tháng 6 năm 1925, từ nhóm thanh niên cách mạng đầu tiên do người tập hợp ở Quảng Châu - Trung Quốc (cuối năm 1924), Người đã lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. 
Ở Quảng Nam - Đà Nẵng sau những cuộc vận động cách mạng đầu thế kỷ XX bị thất bại, nhân dân càng khao khát tự do bao nhiêu, càng nung nấu ý chí cách mạng bấy nhiêu. Từ các phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu  năm 1925, rồi phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh (1926), là những luồng sinh khí mới thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước. Vào những năm 1925 - 1927, có nhiều sách báo tiến bộ lưu hành như Tiếng dân, Tân thế kỷ, Tiếng Chuông rè… Đặc biệt là báo Người cùng khổ, Việt Nam hồn do Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã được các thanh niên yêu nước truyền tay nhau đọc tại Quảng Nam. Từ các tài liệu do Nguyễn Ái Quốc và tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đưa về đã hâm nóng bầu không khí chính trị trong tỉnh. Qua các cuộc vận động, tại Quảng Nam nhiều tổ chức yêu nước ra đời như Hội tri thức thể thao (Tam Kỳ)… Bắt đầu từ đây những hạt giống đỏ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Tân Việt nảy mầm trên đất Quảng. Năm 1927, Ban Vận động Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tỉnh Quảng Nam được thành lập ở Huế và sau đó chuyển về Đà Nẵng hoạt động. Đến tháng 9 năm 1927, chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Đà Nẵng được thành lập do Đỗ Quang làm Bí thư. Cũng trong thời gian này, ở Đà Nẵng còn có một tổ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Tường phát triển vào số cán bộ cốt cán của Hội ái hữu lái xe miền Trung, gồm có Phan Văn Định, Nguyễn Văn Giao. Ở Hội An một chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập vào tháng 10.1927, tại nhà Đức An (nay là số nhà 129, đường Trần Phú, thị xã Hội An) do Phan Thêm (tức Cao Hồng Lãnh làm Bí thư).
Trên cơ sở từ 3 đầu mối trên, đầu năm 1928, một cuộc hội nghị thành lập Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Quảng Nam được tổ chức ở gần Giếng Bộng (Đà Nẵng). Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Quảng Nam gồm có Đỗ Quang, Nguyễn Thái, Phan Thêm, Nguyễn Tường, Phan Long, Thái Thị Bôi, Lê Văn Hiến do Đỗ Quang làm Bí thư.
Đến giữa năm 1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Quảng Nam được thành lập.
Ngày 03.02.1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản đã họp ở Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc). Một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức ra đời. Hội nghị thông qua Chính Cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ tóm tắt của Đảng.
          Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, sau khi nghe phái viên của Đảng Cộng sản Việt Nam báo tin thắng lợi của hội nghị Cửu Long, phổ biến chính cương, sách lược, điều lệ tóm tắt, Tỉnh bộ lâm thời Đông Dương cộng sản Đảng Quảng Nam nhất trí thực hiện chủ trương hợp nhất của Trung ương Đảng.
Ngày 28 tháng 3 năm 1930, tại Cây Thông Một, Hội An (nay thuộc xã Cẩm Hà, thị xã Hội An), Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam ra thông cáo về việc thành lập Đảng bộ và công bố từ nay chỉ có một Đảng Cộng sản duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn đường cho công, nông, binh, nhân dân lao động bị áp bức đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Ban Chấp hành lâm thời gồm có các đồng chí: Phan Văn Định, Phạm Thâm, Nguyễn Thái; đồng chí Phan Văn Định làm Bí thư.
Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đánh dấu một mốc son của lịch sử Quảng Nam - Đà Nẵng bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đấu tranh dân tộc, dân chủ theo ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2/ CÁC KỲ ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH QUẢNG NAM (1930 – 2005).
Từ ngày thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (cả Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Đảng bộ Quảng Đà, Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà) đã trải qua 19 kỳ Đại hội.
1.Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lần thứ I:
Ngày 06-01-1949, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ nhất họp tại xã Tam Anh, huyện Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành). Đại hội bầu ra BCH Đảng bộ nhiệm kỳ mới gồm 25 uỷ viên chính thức và 5 uỷ viên dự khuyết, đồng chí Nguyễn Xuân Hữu (Ảnh bên) được bầu làm Bí thư, các đồng chí Lê Bình và Cao Sơn Pháo được bầu làm Phó Bí thư.
2. Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ II:
Từ ngày 21.02.1950 đến ngày 02.3.1950, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ II được tổ chức tại làng Bà Bầu, huyện Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành).
Đại hội bầu ra BCH Đảng bộ tỉnh gồm 15 đồng chí uỷ viên chính thức và 3 đồng chí uỷ viên dự khuyết, đồng chí Cao Sơn Pháo (Ảnh bên) được bầu làm Bí thư, đồng chí Lê Bình tiếp tục được bầu làm Phó Bí thư.
3. Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng  lần thứ III:
Tháng 3.1952, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng tái hợp thành một đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Tháng 3 năm 1952, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng triệu tập Đại hội lần thứ III tại xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước Quảng Nam.
Đại hội bầu BCH nhiệm kỳ mới gồm 22 đồng chí với 16 uỷ viên chính thức và 6 uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Võ Chí Công tức Võ Toàn (Ảnh bên) được Liên khu uỷ chỉ định làm Bí thư, đồng chí Võ Văn Đặng là phó Bí thư phụ trách và làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
4. Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ IV:
Tháng 01.1960, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ IV họp tại thôn Adhur (A Duân) bên bờ sông A Vương (nay thuộc huyện Đông Giang). Tham dự Đại hội có 50 Đại biểu chính thức và 20 đại biểu dự thính.
Đại hội bầu BCH nhiệm kỳ mới gồm 20 uỷ viên do đồng chí Trương Chí Cương (Tư Thuận, Trương Kiểm, ảnh bên) làm Bí thư.
5. Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đà và Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ V:
Cuối năm 1962, Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tại Nà Cau (nay thuộc xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước). Chấp hành sự chỉ đạo của Khu ủy V, Hội nghị quyết định chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà.
Ngay sau khi chia tỉnh, vào tháng 01.1963 Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đà lần thứ V được tổ chức tại làng Đào, huyện Hiên (nay thuộc huyện Đông Giang). Đại hội bầu BCH mới gồm 16 đồng chí, đồng chí Hồ Nghinh (Ảnh trên) được bầu lại làm Bí thư, cuối năm 1963 bổ sung đồng chí Trần Thận làm Phó Bí thư.
Trong khi đó, tại Nà Cau, các đại biểu tỉnh Quảng Nam tiếp tục tiến hành Đại hội. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 21 đồng chí; đồng chí Phạm Tứ (Mười Khôi, ảnh bên) được bầu làm Bí thư; đồng chí Vũ Trọng Hoàng (Bốn Hương) và đồng chí Đào Đắc Trinh được bầu làm Phó Bí thư.
6. Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đà và Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ VI:
Tháng 12.1964, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đà lần thứ VI được tổ chức tại Ô Rây, huyện Đông Giang. Đại hội bầu BCH mới gồm 20 uỷ viên, đồng chí Hồ Nghinh được bầu làm Bí thư, đồng chí Trần Thận làm Phó Bí thư.
Cũng thời gian trên, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ VI được tổ chức tại Đồng Linh, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình. Đại hội bầu BCH Đảng bộ gồm 15 uỷ viên, Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí, đồng chí Vũ Trọng Hoàng (Ảnh bên) được bầu làm Bí thư, đồng chí Đào Đắc Trinh làm Phó Bí thư.
7. Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ VII:
Từ ngày 14-18.10.1967, tại xã Đốc, huyện Bắc Trà My, Đảng bộ Quảng Nam tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ VII.
Đại hội bầu BCH Đảng bộ gồm 25 đồng chí, đồng chí Vũ Trọng Hoàng được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí Hoàng Nguyên Trường và Hoàng Minh Thắng được bầu làm Phó Bí thư.
8. Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ VIII:
Từ ngày 16- 30.11.1969, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ VIII diễn ra tại xã Cot (huyện Bắc Trà My). Đại hội bầu ra BCH Đảng bộ nhiệm kỳ mới gồm 29 đồng chí, do đồng chí Trần Thận (Ảnh bên) làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Đỗ Thế Chấp làm Phó Bí thư.
9. Đại hội Đảng bộ Đặc Khu uỷ Quảng Đà lần thứ IX:
Từ ngày 20 đến ngày 25.8.1971, tại xã Tàpơ, huyện Nam Giang, Đại hội Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà lần thứ IX được tổ chức.
Đại hội bầu BCH mới gồm 21 đồng chí, đồng chí Hồ Nghinh được bầu làm Bí thư, đồng chí Trần Văn Đán làm Phó Bí thư Đặc khu ủy.
10. Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ X.
Từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 3 năm 1973, Đại hội Đảng bộ Quảng Nam lần thứ X được tổ chức. Đại hội bầu BCH Đảng bộ tỉnh gồm 20 đồng chí đồng chí Hoàng Minh Thắng làm Bí thư, các đồng chí Đỗ Thế Chấp, Võ Quỳnh làm Phó Bí thư.
Từ ngày 4-10 tháng 9 năm 1973, Đại hội Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà lần thứ X được tổ chức. Đại hội bầu BCH mới gồm 29 uỷ viên, trong đó có 2 uỷ viên dự khuyết, đồng chí Trần Thận được bầu làm Bí thư; đồng chí Phạm Đức Nam và Trần Văn Đán được bầu làm Phó Bí thư.
11. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XI:
Tháng 10 năm 1975, đặc khu Quảng Đà và tỉnh Quảng Nam hợp nhất thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng do đồng chí Hồ Nghinh làm Bí thư; các đồng chí Trần Thận, Hoàng Minh Thắng làm Phó Bí thư.
Từ ngày 12 đến 18.11.1976, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XI (vòng I) và từ ngày 25.4 đến ngày 02.5.1977, Đại hội (vòng II) họp tại Đà Nẵng, có 488 đại biểu đại diện cho 23.386 đảng viên toàn Đảng bộ tham dự.
Đại hội bầu BCH Đảng bộ gồm 41 uỷ viên, đồng chí Hồ Nghinh được bầu lại làm Bí thư, các đồng chí Võ Văn Đồng và Hoàng Minh Thắng làm Phó Bí thư.
12. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XII:
Từ ngày 12-16.12.1979, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XII họp tại Đà Nẵng, tham dự có 495 đại biểu, thay mặt cho 25.791 đảng viên toàn đảng bộ.
Đại hội bầu ra BCH gồm 44 uỷ viên, đồng chí Hồ Nghinh được bầu lại làm Bí thư.
13. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XIII:
Ngày 6.1.1983, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XIII (vòng I) và từ ngày 31.1 - 4.2.1983, Đại hội Đảng bộ tỉnh (vòng II) họp tại Đà Nẵng. Tham dự có 553 đại biểu thay mặt cho 30.742 đảng viên toàn Đảng bộ.
Đại hội bầu BCH nhiệm kỳ mới gồm 49 uỷ viên, đồng chí Hoàng Minh Thắng được bầu làm Bí thư, đồng chí Võ Văn Đồng làm Phó Bí thư.
14. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XIV:
Từ ngày 21-29.01.1986, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV họp tại thành phố Đà Nẵng, tham dự có 546 đại biểu thay mặt cho 39.285 đảng viên của Đảng bộ.
 Đại hội bầu ra BCH nhiệm kỳ mới gồm 52 uỷ viên, đồng chí Nguyễn Văn Chi được bầu làm Bí thư.
15. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XV:
Từ ngày 16-19.10.1991, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV họp tại Đà Nẵng. Tham dự có 353 đại biểu thay mặt cho 43.000 đảng viên của Đảng bộ.
Đại hội bầu BCH nhiệm kỳ mới gồm 49 uỷ viên, đồng chí Nguyễn Văn Chi được bầu làm Bí thư, các đồng chí Lê Quốc Khánh và Trần Đình Đạm làm Phó Bí thư.
16. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XVI:
Từ ngày 23 - 27.4.1996, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XVI họp tại thành phố Đà Nẵng. Tham dự có 349 đại biểu thay mặt cho 45.518 đảng viên của toàn Đảng bộ.
Đại hội bầu ra BCH nhiệm kỳ mới gồm 47 uỷ viên. Đồng chí Mai Thúc Lân được bầu làm Bí thư, các đồng chí Trương Quang Được và Nguyễn Đức Hạt làm Phó Bí thư.
Ngày 01.01.1997, Nghị quyết kỳ họp thứ X, Quốc hội khoá IX, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Theo đó, Đảng bộ lâm thời Quảng Nam được thành lập gồm 36 đồng chí, đồng chí Mai Thúc Lân giữ chức Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Lê Trí Tập và đồng chí Nguyễn Đức Hạt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy.
17. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam XVII :
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XVII được tiến hành từ ngày 8-10.10.1997, tại thị xã Tam Kỳ. Tham dự đại hội có 250 đại biểu thay mặt cho hơn 25.000 đảng viên ở tất cả các lĩnh vực của 14 đảng bộ huyện, thị và 5 đảng bộ trực thuộc.
Đại hội bầu BCH Đảng bộ tỉnh khoá XVI gồm 47 đồng chí, đồng chí Nguyễn Đức Hạt được bầu làm Bí thư, các đồng chí Nguyễn Hữu Mai, Lê Trí Tập làm Phó Bí thư.
18. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam XVIII:
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XVIII được tiến hành từ ngày 5-8.12.2000 tại thị xã Tam Kỳ. Tham dự đại hội có 300 đại biểu thay mặt cho 28.279 đảng viên trong Đảng bộ.
Đại hội bầu ra BCH nhiệm kỳ mới gồm 47 đồng chí, đồng chí Nguyễn Đức Hạt được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, các đồng chí Nguyễn Hữu Mai, Vũ Ngọc Hoàng làm Phó Bí thư.
19. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam XIX:
Từ ngày 6-8.12.2005, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XIX diễn ra tại Tam Kỳ. Tham dự Đại hội có 199/200 đại biểu đại diện cho 36.403 đảng viên.
 Đại hội bầu BCH nhiệm kỳ 2006-2010 gồm 49 đồng chí, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, các đồng chí Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Xuân Phúc làm Phó Bí thư. (Tháng 4 năm 2006, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc được Trung ương điều động về công tác tại Thanh tra Chính phủ (sau chuyển về Văn phòng Chính phủ); tại Hội nghị lần thứ 5 vào ngày 26 tháng 10 năm 2006, Tỉnh ủy đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy).
3/ CÁC ĐỒNG CHÍ BÍ THƯ ĐẢNG BỘ TỈNH TỪ KHI THÀNH LẬP
CHO ĐẾN NĂM 2007
01. Đồng chí Phan Văn Định: Sinh ngày 11 tháng 5 năm 1903, tại làng Đông Thái, tổng Việt Yên, nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1930.
02. Đồng chí Võ Minh. Sinh năm 1905, tại làng An Hoà, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy từ cuối năm 1932 đến tháng 5 năm 1935.
03. Đồng chí Phạm Thâm (Phạm Tấn Khánh): Sinh năm 1903, tại làng Xuân Đài, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ từ tháng 8 năm 1930 đến tháng 10 năm 1930.
04. Đồng chí Nguyễn Trác (Nguyễn Thiều): Sinh ngày 04 tháng 11 năm 1904, tại làng Hà Thanh, tổng Hạ Nông, phủ Điện Bàn, nay là làng Hà Tây, xã Điện Hoà, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam từ cuối năm 1936 đến tháng 10 năm 1938.
05. Đồng chí Nguyễn Thành Hãn: Sinh ngày 01 tháng 5 năm 1905, tại làng Trà Kiệu Tây, nay thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 11 năm 1938 đến tháng 02 năm 1939.
06. Đồng chí Nguyễn Đức Thiệu: Sinh ngày 25 tháng 12 năm 1907, tại Ấp Nhì, làng Ái Nghĩa, nay là khu 2, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ từ tháng 03 đến tháng 8 năm 1939.
07. Đồng chí Hồ Tỵ (Hồ Trí Tân): Sinh tháng 10 năm 1906, tại thôn An Lộng, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, nay thuộc xã Triệu Hoà, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 10 năm 1940 đến tháng 10 năm 1941.
08. Đồng chí Trương Hoàn (Trương Văn Hoàn): Sinh năm 1911, tại làng Hữu Niên, tổng An Dạ, phủ Triệu Phong, nay là xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 10 năm 1941 đến tháng 7 năm 1942.
09. Đồng chí Võ Chí Công (Võ Toàn): Sinh ngày 8 tháng 7 năm 1913, tại làng Tam Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay là thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam từ tháng 3 năm 1940 đến tháng 10 năm 1940; tháng 6 năm 1942 đến tháng 11 năm 1943, từ tháng 3 năm 1952 đến năm 1953.
10. Đồng chí Trần Văn Quế: Sinh ngày 01 tháng 5 năm 1922, tại làng Thọ Khương, tổng Đức Hòa, phủ Tam Kỳ nay thuộc thôn 6, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 4 năm 1944 đến tháng 9 năm 1945.
11. Đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ (Tám Tâm): Sinh ngày 15 tháng 02 năm 1912, tại làng Bích Trâm, phủ Điện Bàn, nay thuộc xã Điện Hoà, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 11 năm 1945 đến tháng  10 năm 1946.
12. Đồng chí Trương Quang Giao (Trương Quang Viên): Sinh ngày 30 tháng 3 năm 1910, tại xã Tịnh Khuê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ từ tháng 11 năm 1946 đến tháng 01 năm 1949.
13. Đồng chí Nguyễn Xuân Hữu (Nguyễn Hữu Trinh): Sinh ngày 01 tháng 01 năm 1923, tại xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 01 năm 1949 đến tháng 01 năm 1950.
14. Đồng chí Cao Sơn Pháo (Bùi Như Tùng): Sinh năm 1919 tại làng Thái Sơn, xã Điện Tiến, phủ Điện Bàn (nay là huyện Điện Bàn), tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 01 năm 1950 đến năm 1951.
15. Đồng chí Trương Chí Cương (Trương Kiểm, Tư Thuận): Sinh ngày 03 tháng 01 năm 1919, tại làng Phụng Tây (Phụng Châu), xã Xuyên Châu, phủ Duy Xuyên (nay thuộc thôn Phước Mỹ II, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên), tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam- Đà Nẵng từ tháng 8 năm 1954 đến tháng 01 năm 1955; từ tháng 01 năm 1960 đến tháng 12 năm 1960. Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà tháng 01 năm 1968.
16. Đồng chí Phan Tốn (Phan Huyển): Sinh ngày 01 tháng 5 năm 1921, tại Xóm Miếu, làng Thọ Khương, tổng Đức Hòa, phủ Tam Kỳ (nay thuộc thôn 6, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng từ tháng 7 năm 1955 đến tháng 02 năm 1956, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam từ tháng 02 năm 1956 đến năm 1959.
17. Đồng chí Phạm Tứ (Mười Khôi): Sinh ngày 04 tháng 4 năm 1917, tại làng Châu Bí, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam- Đà Nẵng từ cuối năm 1960 đến năm tháng 12 1962, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam từ tháng 01 năm 1963 đến đến tháng 03 năm 1963.
18. Đồng chí Hồ Nghinh (Hồ Hữu Phước): Sinh ngày 15 tháng 02 năm 1915, tại phủ Duy Xuyên, nay là thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà từ tháng 01 năm 1963 đến tháng 11 năm 1967; Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà từ tháng 11 năm 1967 đến tháng 12 năm 1967, từ tháng 02 năm 1968 đến tháng 8 năm 1973, từ tháng 3 năm 1975 đến tháng 10 năm 1975; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng từ tháng 10 năm 1975 đến tháng 4  năm 1982.
19. Đồng chí Vũ Trọng Hoàng (Bốn Hương): Sinh ngày 01 tháng 5 năm 1923, tại làng Phương Trì, tổng Xuân Phú, nay thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam từ tháng 3 năm 1963 đến năm 1968.
20. Đồng chí Trần Thận (Trần Cát): Sinh năm 1927, tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Đà từ tháng 7 năm 1967 đến tháng 11 năm 1967; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam từ 1968 – 1970; Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà từ tháng 9 năm 1973 đến tháng 3 năm  1975.
21. Đồng chí Hoàng Minh Thắng (Nguyễn Tấn Vịnh): Sinh năm 1927, tại làng Tiên Đóa, nay thuộc Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam từ tháng 5 năm 1970 đến tháng 10 năm 1975; Bí Thư Tỉnh uỷ Quảng Nam- Đà Nẵng từ tháng 5 năm 1982 đến tháng 4 năm 1986.
22. Đồng chí Nguyễn Thành Long: Sinh tháng 01 năm 1920, tại phường Xuân Hà, Đà Nẵng nay là phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng. Thời gian giữ chức Quyền Bí thư Tỉnh uỷ từ tháng 7 năm 1986 đến tháng 10 năm 1986.
22. Đồng chí Nguyễn Văn Chi: Sinh ngày 28 tháng 7 năm 1945, tại xã Hòa Tiến, huyện Hoà Vang, nay là huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng từ tháng 10 năm 1986 đến tháng 3 năm 1994.
23. Đồng chí Mai Thúc Lân: Sinh ngày 06 tháng 01 năm 1935, tại xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng từ tháng 3 năm 1994 đến tháng 12 năm 1996; Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam từ tháng 01 năm 1997 đến 10 năm 1997.
24. Đồng chí Nguyễn Đức Hạt.
Sinh năm 1945, tại xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam từ tháng 10 năm 1997 đến tháng 7 năm 2001.
25. Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng.
Sinh năm 1953, tại xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam từ tháng 8 năm 2001 đến nay.
4/ HỘI NGHỊ MANG TÍNH QUYẾT ĐỊNH ĐẾN THẮNG LỢI TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 Ở TỈNH QUẢNG NAM.
Ở Quảng Nam, vào những ngày đầu tháng 8 năm 1945, trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, bộ máy thống trị tay sai của Nhật từ phủ, huyện đến cơ sở đã bị tê liệt, quần chúng được tập hợp dưới ngọn cờ hiệu triệu của Mặt trận Việt Min sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa.
Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại nhà ông Tòng (Khương Mỹ, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) vào ngày 12 và 13 tháng 8 năm 1945, bàn kế hoạch chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Cuộc họp đang tiến hành thì chiều ngày 13 tháng 8 năm 1945, từ Đà Nẵng, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, Tỉnh ủy viên vào cấp báo Nhật Hoàng đã đầu hàng Đồng không điều kiện.
Nhờ quán triệt chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về các khả năng cuộc khởi nghĩa của ta có thể nổ ra giành thắng lợi, cuộc họp chuyển xuống nhà ông Nguyễn Chiến (Khương Mỹ, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) đêm 13 và ngày 14 tháng 8 năm 1945. Hội nghị Tỉnh ủy liền chuyển trọng tâm sang bàn chủ trương khởi nghĩa và quyết định:
- Phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền.
- Chuyển tất cả các cấp uỷ Đảng và Ủy ban Việt Minh các cấp thành Ủy ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương.
- Hội nghị quyết định thành lập Uỷ ban bạo động giành chính quyền tỉnh Quảng Nam gồm 17 đồng chí; Ban Thường trực gồm 5 đồng chí.
Các thành viên trong Ủy ban bạo động tỉnh đang phụ trách địa phương nào sẽ về lãnh đạo khởi nghĩa tại địa phương đó, chỉ điều chỉnh tăng cường một số đồng chí cho những nơi quan trọng.
Hội nghị nhanh chóng kết thúc vào chiều 14 tháng 8 năm 1945; các đồng chí dự Hội nghị tỏa về địa phương triển khai cấp tốc kế hoạch khởi nghĩa.
Đêm ngày 17 rạng ngày 18 tháng 8 năm 1945, khởi nghĩa nổ ra thành công ở Hội An và sau đó diễn ra thắng lợi ở các địa phương trong tỉnh.
* Ý nghĩa của Hội nghị:
Đêm ngày 13 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa Trung ương đã ra lệnh khởi nghĩa trong Toàn quốc (lúc này Quảng Nam chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương); do đó quyết định của Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam làm cho chủ trương khởi nghĩa của Tỉnh uỷ Quảng Nam kịp thời và phù hợp với mệnh lệnh khởi nghĩa của Trung ương.
Chính nhờ có sự nắm bắt kịp thời chủ trương đường lối của Trung ương Đảng. Đảng bộ Quảng Nam đã nỗ lực vượt bậc chuẩn bị chu đáo từ tuyên truyền giác ngộ quần chúng đến tổ chức tập hợp lực lượng rộng khắp từ nông thôn đến thành thị tạo ra sức mạnh tổng hợp cho cách mạng tháng Tám ở Quảng Nam đi đến thắng lợi một cách nhanh gọn.
Thắng lợi khởi nghĩa ở Hội An đã đưa Quảng Nam là một trong những tỉnh khởi nghĩa thành công sớm nhất trong cả nước góp phần thúc đẩy Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên toàn quốc giành thắng lợi hoàn toàn.

5/ CÁC HỘI NGHỊ CỦA TỈNH ỦY MANG TÍNH QUYẾT ĐỊNH ĐẾN THẮNG LỢI CỦA CHIẾN CUỘC ĐÔNG - XUÂN 1953 - 1954, TRÊN ĐỊA BÀN QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG.

Bị thất bại liên tiếp ở Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, kế hoạch “Bình định gấp rút phản công quyết liệt” của thực dân Pháp bị phá sản. Để tìm cách rút lui bằng giải pháp danh dự thông qua việc chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, tháng 5 -1953, tướng Na-va được cử sang làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã vạch ra kế hoạch hành động gồm hai bước, từ giữ thế phòng ngự chiến lược, tập trung lực lượng mở cuộc tiến công bình định miền Nam và miền Trung Đông Dương đến việc đưa quân ra Bắc, giành thắng lợi quyết định để tạo áp lực trong cuộc đàm phán.
Để thực hiện âm mưu đó, tại Liên khu V, địch tập trung quân với số lượng lớn thực hiện kế hoạch “Át - lăng” đánh chiếm vùng tự do Liên khu V. Chúng tăng cường hệ thống phòng thủ, nhất là quanh các thành phố, thị xã, tiến hành nhiều cuộc hành quân, càn quét, ra sức bắt lính…Trước âm mưu của địch, tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, nhằm tiêu diệt địch ở Lai Châu, giải phóng Tây Bắc, phối hợp với quân đội Lào giải phóng Phong Xa Lì…Đồng thời, Bộ Chính trị cũng quyết định tiến công giành lấy địa bàn chiến lược Tây Nguyên, phá âm mưu bình định miền Nam của địch. Trên cơ sở Nghị quyết của Bộ Chính trị:
- Từ 13 - 17.02.1954, Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng họp hội nghị mở rộng. Hội nghị nhận định rằng trong thời gian tới địch sẽ ra sức bắt lính, cưỡng bức lừa bịp ở vùng tạm chiếm, đánh phá càn quét qui mô vùng du kích, đánh lấn ra vùng giáp ranh. Ở vùng tự do, địch có thể đổ bộ, nhảy dù càn quét dài ngày hoặc có thể chiếm đóng từng bộ phận rồi loang dần ra. Mặt khác chúng tăng cường phi cơ bắn phá các trục giao thông, những nơi chúng nghi có cơ quan, kho tàng của ta, do đó ta phải tích cực đề phòng, kịp thời đối phó, tuyệt đối không được chủ quan.
Sau khi phân tích tình hình, đánh giá ưu khuyết điểm, Tỉnh ủy chủ trương tiếp tục đẩy mạnh du kích chiến tranh, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, phá âm mưu chiếm vùng tự do, mở rộng cơ sở, phá âm mưu bình định vùng sau lưng địch. Đối với Đà Nẵng, Hội An phải ra sức phát triển     phong trào đấu tranh của quần chúng, vạch trần âm mưu và thủ đoạn của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chống dồn dân, bắt lính. Về quân sự, để tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, Tỉnh chỉ thị Tỉnh đội thường xuyên báo cáo tình hình trên chiến trường…
- Ngày 22 và 23.4.1954, Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng triệu tập Hội nghị mở rộng. Hội nghị nhận định qua 3 tháng hoạt động, nhân dân tỉnh ta đã giành được nhiều thành tích quan trọng về các mặt. Tuy nhiên, ta chưa có sự phối hợp với chiến trường cả nước một cách liên tục và chặt chẽ. Nhiều nơi ta vẫn chưa thấy hết sơ hở của địch, chưa mạnh dạn phát triển cơ sở, đẩy mạnh phát triển công tác ở vùng sát nách địch, phát triển phong trào du kích chiến tranh, từng bước thu hẹp vùng tạm chiếm. Bên cạnh đó, ở vùng tự do, cán bộ và nhân dân tuy được giáo dục chính trị, tư tưởng, lập trường giai cấp nhưng vẫn chưa thấu suốt hết âm mưu, thủ đoạn của địch là khẩn trương đánh chiếm vùng tự do Liên Khu V để củng cố cho miền Nam cho nên công tác chuẩn bị còn chậm và mắc nhiều khuyết điểm, sai sót. Để khắc phục những tồn tại trên, Hội nghị chủ trương tích cực đẩy mạnh hoạt động quân sự ở vùng tạm bị chiếm, khẩn trương chuẩn bị đối phó với âm mưu địch càn quét ra vùng tự do của ta, quyết tâm giành nhiều thắng lợi hơn nữa.
Trên sơ sở Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong gần hai tháng, Tỉnh ủy Quảng Nam đã liên tiếp tổ chức hai Hội nghị mở rộng. Hội nghị diễn ra kịp thời, xác định được tình hình ta và địch, từ đó có sự chuẩn bị sức người, sức của và khi chiến trường có đủ điều kiện, quyết định kịp thời phương án tác chiến, phối hợp với chiến trường cả nước trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc.
6/ TƯ TƯỞNG QUYẾT TÂM “ĐÁNH MỸ VÀ THẮNG MỸ” CỦA TỈNH ỦY QUẢNG NAM, TỈNH ỦY QUẢNG ĐÀ TRONG NHỮNG THÁNG ĐẦU NĂM 1965
Sau khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng tháng 3.1965, rồi Kỳ Hà, Chu Lai, Quảng Nam tháng 5.1965, trong cán bộ, chiến sĩ và quần chúng đã xuất hiện tư tưởng lo lắng: Ta có trụ nổi và đánh thắng Mỹ không? và nếu đánh thì đánh bằng cách nào? Đánh Mỹ có giống đánh Pháp trước đây không? Phòng ngự hay tấn công? Ta có tổ chức đấu tranh chính trị, binh vận được hay không vì nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ta không biết tiếng Anh?…
Trước tình hình đó, chúng ta xác định đế quốc Mỹ là kẻ thù chủ yếu của dân tộc, nên ngay từ khi quân Mỹ đổ bộ vào, Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà và Quảng Nam đã quán triệt tinh thần và ra nghị quyết “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, dù đế quốc Mỹ thực hiện “Chiến tranh cục bộ” hay “Chiến tranh đặc biệt” ở mức độ cao.
Tháng 3.1965, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà họp mở rộng, nhận định tình hình và kết luận: “Việc Mỹ ào ạt đưa quân vào không ngoài dự kiến của Trung ương, do đó ta phải khẳng định quyết tâm: “Chưa giải phóng miền Nam thì còn đánh, chiến tranh gì cũng đánh, đối tượng nào cũng đánh, đông bao nhiêu cũng đánh và lâu bao nhiêu cũng đánh…chúng ta có nhiệm vụ đánh Mỹ trước tiên bằng hai chân, ba mũi giáp công để đóng góp kinh nghiệm cho toàn miền và góp phần đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ”; đồng thời phát động cao trào chống Mỹ trong các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. (Ảnh bên: Đèn tự chế của đồng chí Võ Chí Công làm từ hộp đựng thuốc lá để làm việc ở Liên khu V từ 1964 đến 1969)
Ngày 12.3.1965, du kích xã Hoà Lạc nay là xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng đón đánh một toán lính Mỹ, diệt 7 tên mở đầu phong trào đánh Mỹ trong “Chiến tranh cục bộ” của nhân dân Quảng Đà.
Giữa lúc bao nhiêu câu hỏi đang cần giải đáp, Trung ương Cục miền Nam và Khu uỷ V chủ trương phát động cao trào “toàn dân hiến kế đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Phong trào “Nhà nhà đón thư Đảng, bàn việc đánh Mỹ cứu nhà, cứu nước” dấy lên sôi nổi ở vùng nông thôn, đồng bằng giải phóng, căn cứ miền núi và cả vùng “cài răng lược” giữa ta và địch. Từ trong thực tế đánh Mỹ, vành đai diệt Mỹ Hoà Vang và Chu Lai được hình thành tạo cơ sở thực tiễn để khẳng định khả năng ta có thể đánh thắng giặc Mỹ bằng “2 chân, 3 mũi giáp công”. Huyện Hoà Vang trở thành tuyến đầu đánh Mỹ ở tỉnh Quảng Đà, huyện Nam Tam Kỳ trở thành tuyến đầu đánh Mỹ ở Quảng Nam.
Từ ngày 5 đến ngày 7.5.1965, du kích xã Hoà Ninh (Hoà Vang) đã gan dạ chống đánh 2 đại đội lính Mỹ, diệt 37 tên Mỹ xâm lược. Từ đó tạo phong trào “ra Hoà Vang đánh Mỹ” và phong trào “tìm Mỹ mà đánh, lùng nguỵ mà diệt”, “tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt” được dấy lên và đem lại nhiều kết quả cụ thể. 
Đáng kể trong phong trào đánh Mỹ và diệt Mỹ, nổi lên chiến thắng Núi Thành vào đêm 25, rạng ngày 26. 5. 1965.
Ngày 17.5.1965, một đại đội lính Mỹ từ căn cứ Chu Lai triển khai lên phía tây quốc lộ I, chốt điểm ở Núi Thành để  bảo vệ phía tây căn cứ Chu Lai. Chưa đầy 10 ngày, đêm 25, rạng sáng ngày 26.5.1965, đại đội lính Mỹ này đã bị Đại đội 2 của tiểu đoàn 70 Quảng Nam, được tăng cường 12 chiến sĩ của đại đội đặc công 16 tiêu diệt sau 30 phút chiến đấu. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” tung bay trên đỉnh Núi Thành.
Chiến thắng Núi Thành tuy là trận đánh nhỏ, số lượng quân Mỹ bị tiêu diệt không nhiều, song có ý nghĩa lịch sử, nói lên tinh thần cách mạng tiến công, sự mưu trí linh hoạt, dũng cảm của quân ta hoàn toàn có khả năng tiêu diệt quân Mỹ, xua tan tư tưởng sợ Mỹ, dù chúng có ưu thế về trang bị và hỏa lực. Đơn vị chiến thắng đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân giải phóng miền Nam Việt Nam tặng cờ “Lập công đầu, diệt gọn từng đơn vị chiến đấu Mỹ”.
7/ CƠ CẤU KINH TẾ DO ĐẢNG BỘ TỈNH CHỦ TRƯƠNG QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI TỪ NĂM 1975 ĐẾN NAY
1. Từ ngày 12 đến 18.11.1976, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XI (vòng I) và từ ngày 25.4 - 02.5.1977, Đại hội (vòng II) họp tại Đà Nẵng.
Đại hội xác định: “Tập trung cao độ sức lực của toàn tỉnh tạo ra bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp bao gồm cả cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp và chăn nuôi, trọng tâm là sản xuất lương thực bao gồm cả lúa và màu. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu; đồng thời phải đẩy mạnh nghề biển, nghề rừng, phát triển công nghiệp chế biến và tiểu thủ công nghiệp” nhằm giải quyết một bước vững chắc nhu cầu của nhân dân toàn tỉnh về lương thực, thực phẩm, tăng nhanh nguồn hàng tiêu dùng thông dụng, tăng nguồn tích luỹ cho công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa”.
2. Từ ngày 12-16.12.1979, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XII họp tại Đà Nẵng.
Đại hội đề ra phương hướng nhiệm vụ trong hai năm 1980 - 1981, trong đó xác định: Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm của Trung ương, phát huy lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, truyền thống đoàn kết nhất trí, trung dũng kiên cường, cần cù và sáng tạo, tự lực tự cường và tinh thần cách mạng tiến công, dám nghĩ, dám làm, xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động, dấy lên phong trào cách mạng sôi nổi, liên tục, nhằm khai thác và sử dụng tốt nhất lao động, tài nguyên, phát huy 4 thế mạnh về kinh tế để phát triển sản xuất, ổn định và đảm bảo đời sống, sẵn sàng chiến đấu, từng bước xây dựng địa phương thành tỉnh có cơ cấu công - nông nghiệp, giàu về kinh tế, vững mạnh về chính trị và quốc phòng, có cuộc sống mới, con người mới xã hội chủ nghĩa, góp phần cùng cả nước hoàn thành thắng lợi ba nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc, ba nhiệm vụ cấp bách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
3. Ngày 06.01.1983, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XIII (vòng I) và từ ngày 31.01 - 04.02.1983, Đại hội Đảng bộ tỉnh (vòng II) họp tại Đà Nẵng.
Nghị quyết Đại hội nêu rõ: Đẩy mạnh sản xuất toàn diện, tăng nhanh cây công nghiệp (ngắn ngày và dài ngày) đồng thời tạo một bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp, tiểu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kết hợp chặt chẽ công nghiệp và nông nghiệp (cả nghề biển và nghề rừng) đáp ứng những nhu cầu lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân và phục vụ xuất khẩu, tạo ra năng xuất lao động ngày càng cao, tích luỹ ngày càng lớn.
4. Từ ngày 21- 29.01.1986, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XIV, họp tại thành phố Đà Nẵng.
Về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và những giải pháp lớn về kinh tế - xã hội năm 1986 - 1990, Đại hội nêu rõ: Động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy truyền thống trung dũng kiên cường, đẩy mạnh phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, khai thác tốt nhất tiềm năng thế mạnh, mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý, dồn sức phát triển nông nghiệp toàn diện, thật sự coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đồng thời phát triển mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, lập lại trật tự trên mặt trận phân phối lưu thông, kiên quyết cải tạo xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng quan hệ sản xuất mới, tiếp tục xây dựng có trọng điểm cơ sở vật chất kỹ thuật, tất cả nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định và cải thiện một bước đời sống nhân dân, tạo điều kiện cho bước phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo. Tiếp tục phát huy truyền thống, khai thác tiềm năng, đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức lại sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nông nghiệp toàn diện, đồng thời đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
5. Từ ngày 16 - 19.10.1991, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XV họp tại Đà Nẵng. Về phương hướng nhiệm vụ, Đại hội xác định: Phương hướng hàng đầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh ta trong những năm 1990 là phát triển nông- lâm- ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới; đi đôi với kinh tế cần phát triển khoa học, giáo dục văn hóa nhằm phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ; chú trọng lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường chủ nghĩa xã hội, tiếp tục cuộc vận động làm trong sạch Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng…
6. Từ ngày 23 - 27.4.1996, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XVI họp tại thành phố Đà Nẵng.
Nghị quyết Đại hội nêu rõ: Về kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng cơ cấu kinh tế “công - nông nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ”. Hướng trọng tâm của thời kỳ này là phát triển công nghiệp chế biến một số ngành công nghiệp cơ bản, công nghiệp kỹ thuật cao. Các ngành công nghiệp lựa chọn là công nghiệp chế biến nông lâm hải sản, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, dệt, da, may, sản xuất vật liệu xây dựng, lắp ráp điện tử, lắp ráp xe máy, ô tô, đóng sửa tàu biển, luyện cán thép, khai khoáng và hoá dầu”.
7. Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XVII được tiến hành từ ngày 8-10.10.1997, tại thị xã Tam Kỳ. Tham dự đại hội có 250 đại biểu thay mặt cho hơn 25.000 đảng viên của 14 đảng bộ huyện, thị và 5 đảng bộ trực thuộc.

Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp chủ yếu đến năm 2000, trong đó nhấn mạnh: Quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới của Đảng, phát huy những thành tựu đạt được, động viên toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân nêu cao tinh thần tự lực, tự cường và những truyền thống tốt đẹp của con người Quảng Nam, khai thác các tiềm năng của tỉnh, đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế theo cơ cấu nông - lâm - ngư nghiệp - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - thương mại, du lịch, dịch vụ; chú trọng củng cố và phát triển quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Khẩn trương cải tạo, nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo mọi động lực để phát triển kinh tế và tăng nhanh khả năng tài chính của địa phương; kết hợp phát triển kinh tế                                       với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, chú ý chăm lo các đối tượng được hưởng chính sách, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng; giữ vững ổn định chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
8. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XVIII được tiến hành từ ngày 5-8.12.2000 tại thị xã Tam Kỳ. Tham dự đại hội có 300 đại biểu thay mặt cho 28.279 đảng viên trong Đảng bộ.
Phương hướng chung của toàn Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới là: “Phát huy sức mạnh toàn dân, giữ vững khối đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, tập trung khai thác mọi tiềm năng thế mạnh, phát huy nội lực tạo ra sức mạnh trong phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, hoà cùng nhịp độ phát triển chung của cả nước. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, chú trọng phát triển nông nghiệp toàn diện tạo tiền đề cho công nghiệp và dịch vụ phát triển; phát triển mạnh các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước và HTX dần dần trở thành nền tảng; bảo đảm kinh tế thị trường phát triển theo định hướng XHCN. Giải quyết các vấn đề xã hội, tạo nhiều việc làm cho người lao động, giảm nhanh hộ nghèo, cơ bản không còn hộ đói, nâng cao đời sống nhân dân. Củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm nhiệm vụ mới”
9. Từ ngày 6-8.12.2005, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XIX diễn ra tại Tam Kỳ. Tham dự Đại hội có 199/200 đại biểu đại diện cho 36.403 đảng viên.
Về phương hướng chung và mục tiêu phát triển chủ yếu giai đoạn 2006 – 2010, Đại hội nêu rõ: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, quyết tâm đổi mới tạo bước đột phá đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo    Siêu thị Co.op Mart Tam Kỳ                    hướng công nghiệp và dịch vụ. Phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hoá, tiến bộ và công bằng xã hội, chăm lo sự phát triển toàn diện con người.



8/ NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA TỈNH QUẢNG NAM SAU MƯỜI NĂM TÁCH TỈNH (1997 - 2007).
1.Về lĩnh vực Kinh tế:
- Về sản xuất công nghiệp: Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 1997, mới đạt 40 tỷ đồng, nhưng đến năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.525 tỷ đồng, tăng 26,76 % so với năm 2005. Nếu tính cả giá trị công nghiệp và xây dựng thì tổng giá trị đạt trên 7.000 tỷ đồng. Năm 1997, toàn tỉnh chưa có khu công nghiệp nào thì nay có khu kinh tế mở Chu Lai, có 5 khu công nghiệp và 18 cụm công nghiệp đang được xây dựng và phát triển. (Ảnh: Một khu Resort tại Hội An)
- Các ngành dịch vụ và du lịch: Năm 1997, toàn tỉnh chỉ có một số khách sạn nhỏ, đến năm 2007, đã có 87 khách sạn, đã có một số khách sạn đạt chuẩn 5 sao, 3 sao với 3159 buồng, phòng và có hàng trăm nhà nghỉ khác. Doanh thu từ du lịch, dịch vụ tăng nhanh từ 10 tỷ năm 1997 đến năm 2006, đạt 200 tỷ. Tiềm năng du lịch - dịch vụ ngày càng mở ra nhiều riển vọng mới.
- Kinh tế đối ngoại tiếp tục phát triển, giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 1997, chỉ đạt 8,8 triệu USD đến năm 2006, đạt 135 triệu USD, tăng 20% so với năm 2005 và gấp 17 lần so với năm 1997. Thị trường xuất khẩu tăng lên hơn 40 nước và vùng lãnh thổ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 126 triệu USD.                 
2. Về lĩnh vực Văn hoá - xã hội:
- Giáo dục - đào tạo: Liên tục có những chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng trường lớp không ngừng được cải thiện, nhiều trường học, lớp học được xây dựng mới khang trang, không còn tình trạng dạy ca 3, kể cả vùng sâu, vùng xa… Đến nay, trên toàn tỉnh bình quân 3 người dân có một người đi học. (Ảnh: Đại học Quảng Nam đang xây dựng)
- Khoa học - công nghệ: luôn hướng vào việc nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống, góp phần phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường.
- Hoạt động chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ, mạng lưới khám chữa bệnh, nhất là ở tuyến cơ sở được quan tâm đầu tư, nâng cấp, có 7 bệnh viện cấp tỉnh, 17 trung tâm y tế huyện, thị, thành phố, hàng chục bệnh xá khu vực và 100% xã phường thị trấn có trạm y tế. Công tác dân số KHHGĐ đạt kết quả tốt. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn được quan tâm….
- Công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai rộng khắp, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể. Toàn tỉnh năm 1997, là 27,3%, đến năm 2005 còn 9,5% (tiêu  chí cũ).
- Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển đều khắp ở các địa phương, cơ quan ban ngành, đoàn thể. Thể thao thành tích cao đã gặt hái được nhiều thành tích ở các giải thi đấu quốc gia, khu vực và quốc tế.
- Các hoạt động văn hoá văn nghệ, thông tin, báo chí có bước phát triển, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, giáo dục mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần thiết thực và có hiệu quả vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển knh tế - xã hội của tỉnh. (Ảnh trên: Phong trào tình nguyện về vùng sâu)
3. Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh:
Công tác quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh thường xuyên được tăng cường và củng cố, các hoạt động giáo dục quốc phòng toàn dân được coi trọng và góp phần nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác, kịp thời đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị.
Tích cực xây dựng quốc phòng và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, gắn chặt với thế trận an ninh nhân dân nhằm nâng cao khả năng phòng thủ, tinh thần chiến đấu cao.
Quang cảnh một buổi lễ tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ

4. Xây dựng hệ thống chính trị:

Công tác xây dựng Đảng không ngừng được tăng cường và đổi mới, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên, năm 2005 có 72 % tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh. Các cấp ủy Đảng luôn bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ để lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở được xây dựng và củng cố; vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác quản lý nhà nước ngày càng được thể hiện rõ rệt. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực.  (Ảnh trên: Hội nghị tỉnh ủy Quảng Nam lần II khóa XIX, ảnh bên: Đại hội Đoàn TP Tam Kỳ lần thứ XVII).
Quy chế dân chủ cơ sở được triển khai và bước đầu thu được kết quả, tạo nên sức sống mới, đem lại sự cởi mở, dân chủ trong xã hội. Các tầng lớp nhân dân trong tỉnh luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự đồng thuận xã hội được nâng lên, nhân dân tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương Đất Quảng giàu đẹp, văn minh. Ảnh: Đêm Hội An

9/ GƯƠNG SÁNG ĐẢNG VIÊN: VỊ CHỦ TỊCH ĐI BỘ NHIẾU NHẤT
Vừa qua, trong một cuộc hội ngộ với mấy anh bạn làm nghề báo tại Quảng Nam và miền Trung, tôi được nghe kể câu chuyện về một vị Chủ tịch Huyện đi bộ nhiều nhất nước.
Ông là Bh’riu Liếc - Chủ tịch huyện Tây Giang - một huyện miền núi có đến 95% là đồng bào Cơtu nằm ở phía tây tỉnh Quảng Nam giáp biên giới Lào.
Trong vòng 6 tháng đầu năm 2006, Bh’riu Liếc, Chủ tịch huyện Tây Giang, đi bộ xuống gần 70 thôn bản, có bản xa trên 30 cây số, không có đường xe và leo núi là chủ yếu.
Đã từng là thầy giáo, đi nhiều biết nhiều và chịu khó ghi chép, bây giờ ông (đúng ra tôi nên gọi bằng anh, bởi vị Chủ tịch này mới 42 tuổi) cũng chính là người Cơtu đầu tiên viết sách về cách học tiếng Cơtu, điều mà trước đây chỉ có các nhà nghiên cứu ngôn ngữ từ miền xuôi lên mới làm được.
Ngoài ra, Bh’riu Liếc còn là người đầu tiên đưa ra yêu cầu bắt buộc phải phổ cập tiếng Cơtu cho cán bộ, công chức người Kinh về Tây Giang làm nhiệm vụ.
Giãi bày về việc viết cuốn sách “Tiếng thông dụng Cơtu – Kinh và văn hóa làng Cơtu”, ông nói:  “Thật ra, tôi chỉ là người ghi chép lại ngôn ngữ từ các cụ. Các cụ làm hết chứ tôi có làm được cái gì đâu”. Tất cả chỉ vì tình yêu buôn làng và sợ các cụ già qua đời thì cái chữ gốc Cơtu sẽ bị thất truyền.
Ông đã miệt mài viết từng con chữ Cơtu sưu tầm từ năm 1990 khi còn là giáo viên trường huyện. Gần 16 năm sau, cuốn sách “Tiếng thông dụng Cơtu – Kinh và văn hóa làng Cơtu” dày gần 300 trang ra đời.
Theo đánh giá của nhiều người, đặc biệt là các học viên cán bộ người Kinh thì đây là cuốn sách viết đầy đủ nhất và ngôn ngữ dễ hiểu nhất từ xưa đến nay cho cả người Kinh lẫn Cơtu muốn học chữ.
Nhạc sỹ Huy Hoàng người đang ký âm các giai điệu dân gian Cơtu lưu truyền trong các bản làng thừa nhận: “Tôi biết cái chữ, và nghe được bà con hát, hiểu được các văn hóa và tập tục của người Cơtu để có thể viết lại lời cho các ca khúc một cách tương đối chính xác là nhờ đọc sách của Bh’riu Liếc.
Ông luôn động viên tôi cố gắng giữ lại một cách thật chính xác về giai điệu của quê hương mình. Đấy mới là những giá trị đích thực của người Cơtu”.
Chuyện viết sách của Bh’riu Liếc không hề đơn giản. “Để viết được một trang sách tôi phải mày mò ra tận Viện bảo tàng dân tộc học ở Hà Nội, nhờ anh em giúp tìm các bản đồ ngày xưa do người Pháp chụp từ năm 1938 để viết.
Có hôm phải lặn lội tận rừng sâu, ở trong bản gần cả tháng để viết cho bằng được ba trang nói về cách pha chế rượu tr’đin. Vì cách pha chế rượu này ngày nay đang dần bị mai một.
Nhưng khốn nỗi các già làng không muốn truyền cho người ngoài bản vì sợ “lộ” bí quyết, nên tôi phải ăn nằm làm quen “mòn chiếu” mới học được cách làm tr’đin”.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Cơtu khi cầm cuốn sách này đều phải thán phục bởi những thông tin mà nó đem lại. Một tác giả “cứng tay” đến mấy nếu không phải là người Cơtu bản địa thì khó viết được những trang về cây thuốc và những điều huyền bí đang lưu truyền trong dân gian Cơtu, như cách dùng ngải thương, thuốc độc Ch’pơơr, bệnh dịch P’rong, xem trứng gà, xem gan mật lợn, xem vỏ ốc đá,… để đoán trước sự việc.
Đặc biệt là các món ăn gần như thất truyền đã được khôi phục lại một cách khá đầy đủ như; rượu tr’đin, tà vạt, buốh, buốh prí, a viết và r’lang,…
Nhiều người đang theo học lớp tiếng Cơtu cho biết, tư liệu trong sách “Tiếng thông dụng Cơtu – Kinh và văn hóa làng Cơtu” của Bh’riu Liếc còn đầy đủ hơn nhiều cuốn sách khác có cùng chủ đề này. Bh’riu Liếc cho biết, vừa rồi một vị tiến sỹ ngoài Hà Nội đang viết sách về người Cơtu nhờ ông đọc chỉnh sửa giùm bản thảo.
Ông Bh’riu Prăm, lão thành cách mạng, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII đã hết lời khen ngợi: “Đây là một cuốn sách quý, thiết thực phục vụ việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy nền văn hóa dân tộc Cơtu. Cần phổ biến rộng rãi cho người Cơtu và các dân tộc khác nếu muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc Cơtu”.
Bh’riu Liếc nhớ lại, cha ông mất từ khi anh lên 8 tuổi, mẹ anh phải nuôi sáu anh em đi học. ở vùng núi Tr’hy xa xôi này cái chữ đến với đồng bào dân tộc còn khó hơn việc “đãi cát tìm vàng”. Lớp Một, ông đi học buổi sáng, buổi chiều ra khe bắt ốc, bắt cá. Chuyện làm rẫy mẹ ông giành hết.
Bố không biết chữ và mất sớm, nhưng mẹ ông là một đảng viên gương mẫu và hiểu biết. Mẹ bắt mấy anh em phải đi học cho bằng được. Lên cấp II từ làng A Răng – xã A Xan ông đi bộ vượt núi gần 5 ngày đường mới đến Đông Giang để học.
“Đường rừng bấy giờ còn hoang vu, đầy cọp beo rắn rít và thú dữ nhưng không hiểu vì sao thích cái chữ quá mà tôi chẳng sợ gì cả. Có hôm đói quá vào rừng bẻ măng ăn sống nên say đến gần chết” - Bh’riu Liếc bồi hồi.
Những năm cấp III, Bh’riu Liếc được trường cho về Đà Nẵng học. Lúc bấy giờ chiến tranh biên giới đang xảy ra, chàng trai Cơtu xin nhập ngũ nhưng các già làng kiên quyết không cho và bắt phải đi học.
“Tôi còn nhớ những dãy ruộng nằm sát bên chân cầu Trần Thị Lý – quận 3, Đà Nẵng, tôi đã phải bắt cá, hái rau để ăn. Bo bo và sắn lát lúc đó được nhà nước cấp nhưng cũng chẳng đủ.
Trong số 5 người đi học có 4 người đã bỏ vì không chịu nổi đói khát và nhớ bản làng” -Bh’riu Liếc kể.
Những đêm xa nhà nằm nhớ bản làng, Bh’riu Liếc đã viết trong nhật ký; “…Tôi giống như một nhành cây giữa bao la rừng núi của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Và, có một thời tôi sống giữa đô thành lòng đau đáu nhớ rừng, nhớ quê, nhớ dòng thác rì rầm, nhớ tiếng chim, vượn hót, nhớ những ánh trăng vằng vặc với làn gió thoảng mát rượi; nhớ từng bậc thang bước lên nhà sàn ấm cúng, nhớ bà con cô bác, nhớ giọng nói của bà mẹ yêu thương khi tôi còn bé...”.
Giờ nghĩ lại ông vẫn không biết động lực nào khiến mình theo học cho đến khi được làm thầy giáo, sau đó về Ban dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam trước khi về huyện làm Chủ tịch huyện như ngày nay.
Bh’ríu Liếc tâm sự: “Văn hóa Cơtu có từ lâu đời, văn hóa Làng – văn hóa cộng đồng, văn hóa dân gian. Nhưng hiện nay do nhiều nguyên nhân nên đang có nguy cơ bị mất đi. Đặc biệt là thế hệ trẻ được tiếp xúc ngay với văn hóa hiện đại nên có nhiều người không biết tiếng mẹ đẻ.
Tôi cố gắng góp nhặt lại và giữ gìn. Mọi người sẽ không đến đây để xem người Cơtu ăn cái gì, no hay đói, nhưng họ sẽ đến xem người Cơtu có văn hóa gì? Đó là điều tôi lo lắng”.
Trước những bức xúc đó, đầu năm 2006, bản tin Tây Giang ra đời, trong đó nhắc đến khá nhiều chủ đề về văn hóa các dân tộc miền núi và cách phát huy, bảo tồn.
Là người thường xuyên hay đi công tác và xuống tận thôn bản ăn ở cùng bà con, nắm bắt tình hình nên vị Chủ tịch huyện trẻ tuổi rất được cán bộ cấp dưới nể phục.
Trong vòng 6 tháng đầu năm, ông đi công tác gần 70 thôn bản, có bản xa trên 30 cây số, không có đường xe nên phải đi bộ và leo núi là chính. Có lẽ ông là vị Chủ tịch huyện đi bộ công tác nhiều nhất nước.
“Mấy đứa ở Phòng kinh tế nói gì tôi biết hết cả rồi, nhưng đi để xem họ nói và báo cáo như thế nào thôi” - Bh’riu Liếc cười.
Làm cán bộ phải đi sâu sát và nắm bắt tình hình của nhân dân, mà không nghe được tiếng người dân nói thì làm việc không hiệu quả. Bh’riu Liếc trực tiếp chỉ đạo các cán bộ đầu ngành trong toàn huyện phải đi học tiếng Cơtu.
Sau khóa học, học viên sẽ được cấp một chứng chỉ tiếng Cơtu tương đương như một môn ngoại ngữ. Công chức mới thi vào làm việc ở huyện này cũng vậy, tiếng Anh, tiếng Pháp, Nga, Nhật, Trung Quốc... có càng tốt, nhưng trước tiên là phải có bằng tiếng ... Cơtu!
Người dân trong vùng thán phục bảo nhau, không có cái gì ông Liếc làm không được. Ông ấy làm rẫy, làm ruộng vườn, làm thầy giáo đã giỏi rồi làm luôn cả cuốn từ điển Cơtu – Kinh cho dân làng thì còn gì bằng.
Nhưng riêng vị Chủ tịch nhiều cá tính của huyện miền núi xa xôi nhất tỉnh này thì luôn lo lắng: “Tôi mong muốn nhất là làm sao cho bà con ở các bản làng bớt nghèo đói. Tây Giang có đến 84,7% là hộ nghèo có lẽ là nơi nghèo nhất nước. Không biết nhiệm kỳ này tôi sẽ xóa được bao nhiêu?”.
Quả thật, một vị Chủ tịch người dân tộc thiểu số, vừa có tài, vừa có tâm, vừa có đức như vậy thật đáng để chúng ta trân trọng. Nhân dịp Đảng bộ Quảng Nam đang phát động mạnh mẽ cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tôi xin kể lại câu chuyện về ông và xem như đây là một tấm gương cho thế hệ trẻ chúng tôi học tập.
10/ Trải qua gần một thế kỷ đấu tranh cách mạng, mảnh đất Quảng Nam đã kiên cường, bất khuất chiến đấu chống quân xâm lược vì độc lập tự do cho quê hương, Tổ quốc. Trong cuộc chiến đấu trường kỳ đó, Đảng bộ và quân dân Quảng Nam đã viết lên những trang sử cách mạng hào hùng, tô đậm thêm những chiến công hiển hách của cả dân tộc. Mặc dù gặp muôn vàn gian khổ, hy sinh, song tinh thần chiến đấu của quân dân Quảng Nam, vùng đất đầu sóng ngọn gió, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, sáng tạo của Đảng bộ Quảng Nam vẫn quật khởi, không chịu  khuất phục trước sức mạnh đàn áp dã man của kẻ thù xâm lược, thể hiện rõ tinh thần tận trung với Tổ quốc và ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. 
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Nam phải chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà nhanh chóng bắt tay vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh. Truyền thống đấu tranh của các thế hệ cha anh đã được Đảng bộ phát huy cao độ. Chỉ trong thời gian ngắn, cả tỉnh đã khắc phục xong hậu quả chiến tranh, chung tay, góp sức vào công cuộc kiến thiết đất nước.
Từ sau ngày đổi mới đến nay, đặc biệt là từ sau khi chia tách tỉnh, Đảng bộ, quân và dân Quảng Nam tiếp tục gặt hái được những thành tựu rất đáng tự hào, được đánh giá là tỉnh có bước đột phá mạnh về tốc độ phát triển kinh tế và là địa phương hội đủ các yếu tố, điều kiện cần thiết để trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2015-2020… Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã có những bước tiến đáng kể. Trong 10 năm qua, tốc độ tăng GDP của tỉnh bình quân hàng năm là trên 9%/năm. Từ năm 2004 đến nay, Quảng Nam có tốc độ tăng trưởng GDP đạt hai con số. Các lĩnh vực như văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng ngày càng được củng cố và nâng cao. Trong tương lai, tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thiện hơn nữa các thiết chế, chính sách phát triển kinh tế, huy động toàn bộ các nguồn lực, tạo sức bật mới trong phát triển kinh tế cũng như tiến bộ xã hội, nâng mức tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp vào giai đoạn 2015-2020.
Chúng tôi rất trân trọng và tự hào về lịch sử Đảng bộ Quảng Nam gắn liền với truyền thống anh hùng của quê hương trung dũng kiên cường. Là thế hệ được thừa hưởng những thành quả của những thế hệ cha anh để lại, tuổi trẻ hôm nay hiểu rõ được giá trị của cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc mà chúng ta đang có. Để rồi từ đó mỗi người chúng tôi phải có những nghĩ suy, trăn trở, phải làm như thế nào đây để xứng đáng với những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy. Là thế hệ chủ nhân trẻ của đất nước, chúng tôi hiểu rõ trọng trách của mình trong sứ mệnh cùng quê hương vượt qua đói nghèo, quyết tâm đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh trong sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa. “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đã và sẽ là niềm khát vọng, động lực và lý tưởng hành trang của tuổi trẻ trên con đường đi tới.
Chúng tôi nguyện một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ra sức học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện trau dồi kiến thức và kỹ năng chuyên môn, từng bước nắm bắt và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học kỹ thuật để đóng góp sức lực vào việc xây dựng quê hương đất nước. Bên cạnh đó, tuổi trẻ hôm nay cũng luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu chống phá của kẻ thủ, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng đi đôi với việc tham gia phòng ngừa, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, những thói hư tật xấu... trong xã hội.
Nhân bài viết này, cho phép chúng tôi được gửi gắm những điều tâm huyết của mình để góp ý kiến với Đảng bộ, góp phần xây dựng Đảng bộ ngang tầm đòi hỏi của nhiệm vụ mới:
- Đảng bộ, quân dân Quảng Nam tiếp tục tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong nhận thức, ý chí và hành động trên cơ sở quán triệt sâu sắc các quan điểm có tính nguyên tắc của Đảng.
- Coi trọng công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc tố chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng để làm tiền đề cho những nhiệm vụ của thời gian tiếp theo.
- Từng bước đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục toàn diện con người, nhất là đối với thế hệ trẻ. Đẩy mạnh việc hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
- Thực hiện có hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm để củng cố thêm lòng tin của nhân dân với Đảng.

 

Blogger news

Blogroll

About