Recent Comments

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Bàn về bựa, bừa với bạn



Trước khi internet phát triển, từ “bựa” chỉ phổ biến ở miền Bắc, còn hầu như hoàn toàn xa lạ với người miền Trung và miền Nam. Nghĩa đen của nó là để chỉ các chất dư thừa, kết dính lại thành một thứ keo bẩn ở kẽ răng và bộ phận sinh dục (cả nam lẫn nữ) vì thiếu vệ sinh khi lối sống còn lạc hậu. Sau này, người ta dùng từ “bựa” để hàm chỉ những gì bậy bạ, thiếu nghiêm túc, lệch lạc hay tục tĩu. Từ chỗ là một danh từ, nó trở thành tính từ và phổ biến thành những thán từ như “bựa thật”, “bựa quá”, “chuẩn bựa”. Với bài viết này, tôi chỉ đề cập đến một hiện tượng tương đối thú vị trên mạng: “Bựa nhân và bựa văn”.
Thực ra thì bựa văn không phải là cái gì mới mẻ. Lịch sử văn học Việt Nam đã ghi nhận trường hợp nữ sĩ Hồ Xuân Hương như một mẫu mực trong việc sổ toẹt vào những quy chuẩn đạo đức và văn học đương thời. Những bài thơ như: Hang Cắc Cớ, Quả Mít, Vịnh Cái Quạt… của bà là những bài thơ “bựa” trác tuyệt. Thời trước và cả sau giải phóng, ở miền Nam có một dòng thơ được gọi là thơ “tịnh khẩu”, nghĩa là thơ không đọc thành tiếng vì nó rất “bựa”. Xin dẫn:
Cảm ơn ghẻ mọc đầy mình
Cảm ơn bệnh hoạn chung tình với ta
Cám ơn dái tróc lòi da
Cảm ơn tù dẫn tôi ra khỏi đời
Cảm ơn tất cả xa rồi
Hôm nay tôi thấy tôi ngồi bên tôi
Cái lỗ của em
Cùng với cái lỗ huyệt
Mở ra hai đầu sinh tử bất tuyệt
(Nguyễn Đức Sơn)
Hay
Bão loạn. Lốc dù. Xanh mí. Cốc ré. Váy hè. Tiện nghi lạc-xon. Chất chồng trô trố. Môi ngang. Vô hồn. Khoảnh khoắc. Mi-ni mông lông. Cởi quần, chửi thề. Con gà quay con gà quay!
Bão loạn. Múa vàng. Te tua. Nhừ giấc.
Bão loạn. Rùng rùng. Sặc nước. Giạt tóc. Liên tục địa sầm. Tìm, chết, đi.
Bão loạn. Dứt tung tay. Óc lói. Lơ láo tù về lạc thế kỷ. Sương đầm đẫm vóc miên mai.
(Hoàng Hưng)
Dòng thơ bựa ấy được tiếp nối với cái nhóm Mở Miệng sau này, từng om sòm dư luận với vụ luận văn Nhã Thuyên suốt thời gian vừa qua.
Nhạc sỹ tài hoa Phạm Duy cũng có hẳn hàng chục bài tục ca với ngôn từ bựa kinh điển, và điều đó cũng góp phần làm nên một tên tuổi Phạm Duy thật bá đạo:
Em địt vua em địt chúa. Địt tổng thống Hoa Kỳ. Địt chủ tịch Liên Xô. Em địt người địt cả Trời… (Tục ca #8).
Ấy là tôi dẫn chứng như vậy cho bạn đọc tham khảo, còn việc khen chê hay cảm nhận như thế nào là tùy thuộc từng người, miễn không thẹn với lòng.

(Hình ảnh không nhất thiết phải đúng với thực tế)

Còn bựa nhân và bựa văn trên mạng thì sao?
Khoảng sáu bảy năm trở lại đây, trên mạng internet xuất hiện một tay nick tự xưng là An Hoàng Trung Tướng (AHTT). Bản thân tôi không có hứng thú tìm hiểu lai lịch, nhân thân của người này, và cũng chỉ đọc một vài bài viết của y. Nhưng phải nói rằng, người này có một lối viết khá hấp dẫn, tếu táo rất có duyên. Với cách hành văn đảo ý, đảo ngữ khác với chuẩn thông thường; việc sử dụng từ lóng, từ lái, từ “đệm”… một cách thoải mái tự nhiên cùng với lối nói ngọng có chủ ý lập tức lôi cuốn được ngay những người mới đọc. Đồng thời, AHTT cũng thể hiện mình là một kẻ có kiến thức xã hội khá rộng với việc y có khả năng chém gió trong rất nhiều lĩnh vực với những tư duy và kiến giải khá thú vị. Tuy nhiên, những bài viết của y thường mang quan điểm cực đoan, phiến diện, thậm chí lệch lạc méo mó đến thảm hại. Tuy vậy, AHTT vẫn có đám con nhang lên đến hàng vạn nick. Cách viết theo lối của AHTT được gọi là bựa văn.
Nhiều người đã nhại lại giọng bựa văn của AHTT và đã khá thành công, đặc biệt thì phải kể nick Phọt Phẹt, tức luật sư Cao Tuân. Đọc Phọt Phẹt, người ta phải phì cười vì cách kể chuyện tiếu lâm rất dí dỏm và dung tục, mỗi câu chuyện thường có một cái kết rất bất ngờ làm nên tính hấp dẫn của câu chuyện ấy. Và khá nhiều người trong friendlist của tôi cũng có giọng văn bựa theo phong cách AHTT, từ đó góp phần tạo ra những bựa nhân.
Như vậy, đặc điểm chung của bựa nhân là sử dụng “bựa văn” trong bài viết và tranh luận. Tuy nhiên, bựa nhân có rất nhiều thành phần, từ giới trí thức, doanh nhân, văn nghệ sỹ, nhà báo, công an, quân đội, công chức, tư thương đến trẻ trâu thôi thì đủ cả. Tôi biết hàng chục nick name chơi bựa là đảng viên, thậm chí là an ninh nhưng không nêu ra đây vì đó là quyền và có thể là công việc của họ. Và cũng do đa dạng thành phần như thế, nên tư tưởng, suy nghĩ, lập luận của bựa nhân rất khác nhau. Có những người chơi bựa chỉ để kết giao, giải trí nhưng có nhiều người chơi bựa để truyền bá tư tưởng, thay đổi nhận thức mà group Bựa Tự do là một ví dụ điển hình. Và nấp sau lối ăn nói vong mạng ấy, vẫn là những tấm lòng đang suy tư, trăn trở hay đau đớn về thời cuộc, tất nhiên là theo cách thức rất đa nguyên. Như tôi đã có lần khẳng định, đa nguyên trong tư duy là một quy luật khách quan, như ông bà ta đã đúc kết trong câu ngạn nữa “chín người mười ý”. Hiểu theo một cách khác, bựa là biểu hiện của sự phản kháng bất lực trước những bất công, ngang trái của cuộc đời, kiểu như người ta chửi thề vậy.
Có lẽ, chốn bựa là nơi duy nhất mà các phe phái “chơi” được với nhau mà ít gây căng thẳng. Cho dù họ thường xuyên văng tục, chửi thề khi trái quan điểm hoặc thấy người đối thoại chưa có suy nghĩ chín chắn hay là chưa hiểu thấu đáo vấn đề nào đấy. Nhưng sau câu chửi là những tràng cười hehe, hô hố để rồi xí xóa cho nhau, tiếp tục bàn bạc trao đổi chứ không “húng chó” lên đe đánh, đe giết hay nhục mạ nhau tới cùng như những hội cuồng. Và khi chấp nhận việc tranh luận và tư duy đa nguyên, các bựa nhân sẽ có cách nhìn nhận khách quan và thoáng hơn, tránh được sự bó hẹp của phiến diện. Ấy là điều đáng quý của dân bựa. Theo ý tôi, những bựa nhân thực thụ tất nhiên phải là những kẻ “mắt rất tinh, tâm rất tỉnh”, có kinh nghiệm và đã trải nghiệm nhiều cay đắng trong cuộc sống. Độ tuổi của bựa nhân thường là trên 30, hướng tới cái đích “tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh”, không còn ôm ủ những hoài bão, ước mơ ảo vọng xa vời như những người trẻ tuổi.
Bựa nhân rất khinh thường đám người đạo đức giả, mà số người này khá đông trong thiên hạ. Chính loại đạo đức giả này mới là bựa thực sự. Người viết bài này từng chứng kiến một anh bạn đảng viên, công tác tại một cơ quan sự nghiệp cấp tỉnh dùng số tiền được giải trong cuộc thi “kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” rủ bạn bè đi hát karaoke ôm, thế mới bựa. Và trong mấy nhiệm kỳ gần đây, ngay trong BCT, tiếng bựa gọi là “Bê” cũng có khá nhiều vị bựa trên cả chuẩn. Việc này thì các bạn tự tìm hiểu lấy, vì nó là một chủ đề khá nhạy cảm và ít thông tin chính xác.
Tôi thâm nhập làng bựa gần một năm nay, chủ yếu là để trải nghiệm và tìm hiểu, theo đúng bản chất của một Bảo Bình. Cũng kết giao được với nhiều người, để đùa giỡn, tếu táo xả stress cho nhẹ cái sự đời, vậy thôi. Rảnh rỗi viết bài này, góp thêm một góc nhìn với cộng đồng về hiện tượng “bựa” vì nó đang thực sự là một trào lưu đang bùng phát trên facebook. Tôi thì hoàn toàn không có ý bài xích hoặc cổ xúy nó, cứ thuận theo tự nhiên. Còn trong công việc của mình, thì tôi buộc phải nghiêm túc và lịch thiệp, vì tuy là đứa làm thuê cho một doanh nghiệp chuyên tổ chức sự kiện, nhưng tôi được ông chủ phân công giao dịch với 30% khách hàng của ông ấy, mỗi thương vụ có giá trị từ 50 triệu trở lên. Bựa có mà ăn cám. Mà tôi cũng chỉ bựa trên FB, khi viết bài trên blog, cho dù có dốt nát thì tôi vẫn sẽ nghiêm túc theo cách của mình.
Bựa! Hehehe.

2 nhận xét:

 

Blogger news

Blogroll

About